Du xuân và cảm nhận sự độc đáo của văn hóa Tết
Vào ngày xuân, dù ra Bắc hay vào Nam bạn
đều cảm nhận được sự độc đáo và khác biệt mang nét riêng của văn hóa Tết ở từng vùng.
Tết trên đất Hà thành trong tiết trời
lành lạnh, nhưng những nồi bánh chưng đỏ lửa chờ đến đêm giao thừa đã làm lòng
người ấm áp hơn. Bữa cơm đầu năm càng ấm cúng khi gia đình quây quần bên mâm cỗ
đủ thịt mỡ, dưa hành và những món ngon con cái mang đến cùng những lời chúc một
năm mới: Sức khỏe - An khang - Thịnh vượng.
Sapa, Mộc Châu nơi thường chìm trong
sương mù lại mang vẻ đẹp của một thế giới thần tiên với những ngôi nhà nhỏ, tiếng khèn gọi bạn, với
những bông hoa mận, hoa đào chỉ có những ngày xuân mới phô diễn hết những nét
yêu kiều.
Tây Bắc mùa xuân huyền ảo như xứ sở thần
tiên
Với những ai đó đã có dịp thưởng thức
món Thắng cố mới hiểu hết hương vị của vùng cao Tây Bắc vừa lạ lẫm vừa độc đáo
càng bị hối thúc phải thăm lại vùng đất này ít nhất một lần vào ngày xuân.
Đây cũng là lúc các thiếu nữ vùng cao của
các dân tộc khoe màu váy hoa xanh, đỏ tham dự chợ xuân. Mùa xuân Đông Bắc lại đậm
đà hương vị núi rừng với vẻ đẹp hùng vĩ của thác Bản Giốc, sự bao la của Hồ Ba
Bể- nơi đã đi vào các câu chuyện cổ, tích xưa.
Sự hùng vĩ mà thanh bình đã tạo nên vẻ đẹp
của thác Bản Giốc
Mùa xuân cũng là mùa đẹp nhất trong năm
để bạn viếng cảnh chùa Bái Đính và vãn cảnh Tràng An đầy thơ mộng.
Tràng An - Bái Đính là thắng cảnh nằm
trên địa phận tỉnh Ninh Bình
Về miền Trung, dù đến Hội An hay Đà Nẵng,
Huế bạn đều cảm nhận được không khí rất khác. Từ phong tục ngày Tết, ẩm thực đến
những điều tinh tế nhất “rất Việt Nam” đều được trân trọng và giữ gìn và tết là dịp mọi người ôn lại một năm, mang đến cho nhau
những điều tốt lành nhất. Nếu muốn cảm nhận hết những giây phút tuyệt vời ấy,
những ngày nghỉ lễ dài sắp tới chính là thời khắc quý báu nhất để bạn tìm hiểu
và khám phá về “một thế giới mới” ngay tại Việt Nam mà có thể bạn chưa biết hết.
Cầu Chùa rực rỡ ánh đèn nơi phố cổ Hội
An
Những ngày xuân trên vùng đất chín rồng
– Nam bộ, nhìn những dòng người ngược xuôi, những chuyến thuyền hoa từ Vĩnh
Long, Đồng Tháp, Bến Tre tập trung về vùng đất Sài thành bạn sẽ cảm nhận được sự
giàu đẹp của vùng đất phương Nam.
Ở nơi này, cây mai vàng là biểu trưng
cho sự may mắn, thịnh vượng, là cốt cách của con người và cũng là một phần ngày
xuân không thể thiếu của mọi nhà.
Nếu Tết ở trong nước, bạn sẽ cảm nhận trọn
vẹn cảm xúc sum họp cùng người thân bên mâm cỗ giao thừa thật thiêng liêng và ấm
áp hay tận hưởng những giây phút trải nghiệm cùng phong tục Tết đặc sắc ba miền,
thì du xuân các nước như: Thái Lan, Campuchia, Hongkong, Singapore… lại có những
nét đặc trưng rất riêng, đặc biệt là trong giây phút giao thừa, chào đón năm mới,
thời khắc thiêng liêng nhất đối với người Việt.
Tại Thái Lan do múi giờ giống nhau vì vậy
mọi người vẫn có dịp cùng đếm ngược để chào đón năm mới. Nếu ở quê nhà có pháo
hoa thì trên đất khách buổi gặp gỡ thân mật, cùng những câu chuyện vui, những bài hát Xuân Việt Nam vang lên trong không gian sẽ khiến bạn
“rưng rưng” với cảm giác không thể tả bằng lời.
Bạn đã bao giờ nghe các bài hát Xuân Việt
Nam ngân vang lên trên đất bạn? Không ít người ngày thường cứng rắn là thế mà
khi nghe những ca khúc ấy bỗng cảm thấy nhớ nhà, nhớ quê biết bao. Những cuộc gọi
nối tiếp nhau để chúc mừng năm mới hạnh phúc, bình an cho người thân ngày thường
thật khó để cất lên thì nay có cả tiếng cười hạnh phúc, pha lẫn chút gì đó nghẹn
ngào. Vậy mới hiểu Tết với người Việt nồng ấm và thương yêu biết bao.
Thanh Thảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét