Cấp “sổ đỏ” cho đất không giấy tờ

Thu hồi đất sai phải bồi thường, những điều kiện để doanh nghiệp được giao đất, cấp “sổ đỏ” đất không giấy tờ… là những điểm đáng lưu ý trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đang được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân.


Dự thảo Nghị định quy định các điều kiện chặt chẽ trong việc thu hồi đất, đặc biệt là đất nông nghiệp. Ảnh: L.M

Nới điều kiện cấp “sổ đỏ”

Những điểm nghẽn trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ trước 1/7/2004 mà không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được dự thảo Nghị định quy định làm rõ. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất (không có giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai) nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước 15/10/1993 và không vi phạm pháp luật đất đai, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp đất đai thì được xem xét cấp “sổ đỏ”.

Ngay cả các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai trước 1/7/2004 hoặc đã được giao đất không đúng thẩm quyền cũng sẽ được xem xét cấp “sổ đỏ” song với những quy định, điều kiện ngặt nghèo hơn. Trình tự, thủ tục đăng ký, cấp “sổ đỏ” cũng được quy định chi tiết tại dự thảo.

Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất, với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối, dự thảo quy định không quá 15ha đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Các tỉnh, thành phố khác không quá 10ha. Với đất trồng cây lâu năm, hạn mức không quá 50ha đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 150ha với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Xử lý vi phạm đất đai

Một nội dung được quan tâm khác là xử lý vi phạm đất đai. Dự thảo đề ra nguyên tắc, mọi vi phạm pháp luật đất đai khi thi hành công vụ phải được phát hiện, đình chỉ, xử lý kịp thời. Đặc biệt, UBND và cơ quan quản lý đất đai các cấp phải có trách nhiệm công bố công khai số điện thoại riêng, hòm thư riêng, địa điểm riêng để tiếp nhận phát hiện, kiến nghị của tổ chức, công dân đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

Thu hồi đất sai phải bồi thường

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra điều kiện về năng lực tài chính của chủ đầu tư để đảm bảo việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án.
Cụ thể, năng lực tài chính của doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện có vốn thuộc sở hữu của mình dự kiến dành để đầu tư không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha và không thấp hơn 20% nếu có quy mô từ 20ha trở lên.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải không vi phạm quy định chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; không bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm pháp luật đất đai.

Sở Tài nguyên & Môi trường có trách nhiệm rà soát, tổng hợp và báo cáo Bộ Tài nguyên & Môi trường những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Liên quan tới cưỡng chế thu hồi đất, dự thảo nêu rõ, trước khi tiến hành, Chủ tịch UBND cấp huyện phải quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất. Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp huyện phải báo cáo HĐND cùng cấp hoặc UBND cấp tỉnh trước khi phê duyệt phương án cưỡng chế thu hồi đất.

Trong quá trình cưỡng chế, người có đất bị thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại. Khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại, vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật, phải dừng thực hiện quyết định thu hồi đất. Tiếp đó, cơ quan Nhà nước đã ban hành quyết định thu hồi đất phải có quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).

Theo Gia đình

0 nhận xét: